Kỷ niệm 52 năm ngày Bác Hồ gửi thư lần cuối cho nghành giáo dục ( 15/10/1968 - 15/10/2020)
Thưa quí thầy cô, thưa các bạn, nhắc tới Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc, chúng ta lại nhớ đến Người với sự nghiệp cách mạng vĩ đại và tình cảm của Người đối với sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Cách đây 52 năm, vào ngày 15/10/1968 nhân dịp khai giảng năm học 1968 – 1969, Bác Hồ đã gửi thư chúc mừng đến tất cả cán bộ giáo viên và HS trong cả nước. Đây là bức thư cuối cùng mà Bác gửi cho thầy trò chúng ta trước lúc đi xa. Nó có một ý nghĩa to lớn và thiêng liêng đối với sự nghiệp giáo dục, đối với dân tộc Việt Nam trong hành trình đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Vì vậy, hàng năm vào dịp này, toàn thể thầy giáo, cô giáo và học sinh trong cả nước đều nhớ ghi những lời căn dặn của Bác.
Ngay từ năm 1945, mặc dù đất nước vẫn trong thời kì khó khăn, công cuộc kiến thiết nước nhà còn rất bề bộn nhưng Bác vẫn dành thời gian chăm lo cho sự nghiệp giáo dục. Bác đã viết thư thăm hỏi, động viên đến thầy, cô giáo và học sinh trong cả nước. Trong thư Bác thể hiện niềm vui tươi, phấn khởi khi tuổi trẻ Việt Nam được cắp sách đến trường trên một đất nước dân chủ hòa bình. Cũng trong bức thư này, Bác đã gửi tới tuổi trẻ những lời căn dặn:“ Các cháu hãy nghe lời Bác, lời của một người lúc nào cũng ân cần mong muốn cho các cháu giỏi giang. Trong năm học này, các cháu hãy siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, đua bạn. sau hơn 80 năm trời nô lệ làm cho nước nhà yếu hèn, ngày nay chúng ta cần xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước trên toàn cầu. trong cuộc kiến thiết này, nước nhà trông mong, chờ đợi các cháu rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Cũng từ năm 1945, Người đã phát động phong trào “ Bình dân học vụ”, viết lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học. Người viết: “ Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập, một công việc phải được thực hiện cấp tốc lúc này là nâng cao dân trí”. Cũng trong lời kêu gọi , Người chỉ rõ: “ Mỗi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để tham gia vào công việc xây dựng nước nhà. Và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”. Người kêu gọi: “ Những người biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức mình vào bình dân học vụ. Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết”. Đặc biệt Người nhấn mạnh: “ Phụ nữ lại càng phải học vì đã lâu chị em bị kìm hãm”. Bởi thế chỉ một thời gian ngắn, hầu hết nhân dân ta từ già đến trẻ, từ nam đến nữ, từ miền xuôi đến miền ngược đã biết đọc, biết viết. Nó quả là một kỳ tích, một cuộc chạy đua vào thế giới văn minh và tiên tiến của dân tộc. Không chỉ viết thư mà Bác còn thường xuyên trực tiếp thăm hỏi, trò chuyện với các cháu học sinh và các thầy cô giáo ở nhiều trường học.
Ngày 31/12/1958, Bác thăm trường THPT Chu Văn An. Trong cuộc trò chuyện thân mật và ân cần, Bác chỉ rõ: “ Trường học của chúng ta là trường học XHCN. Nhà trường XHCN là nhà trường mà học đi đôi với lao động, lý luận đi đôi với thực hành, cần cù đi đôi với tiết kiệm”. Bác nhấn mạnh: “ Trong trường cần có dân chủ. Dân chủ nhưng trò phải kính thầy, thầy phải quý trò chứ không phải là cá đối bằng đầu”. Cuối cùng Bác nhắc nhở: “ Các cháu phải xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập”.
Đến thăm và nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Đại học nhân dân Việt Nam ngày 19/1/1955 Bác đã nêu lên những ý kiến quý báu: “ Trước hết chúng ta phải hiểu rõ: Học như thế nào? Học cái gì? Học để làm gì?”. Từ đó Người xác định:“ Phải biết quan tâm đến việc khôi phục và xây dựng lại nước nhà. Nhiệm vụ của thanh niên không phải hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Mà phải tự hỏi mình đã làm được gì cho nước nhà?”. Bác căn dặn nhiều lần: “ Thanh niên học sinh phải chuyên tâm học tập, nghiên cứu khoa học, chống lười biếng, xa xỉ, chống sinh hoạt uỷ mị, chống kiêu ngạo giả dối”.
Và trong bức thư cuối cùng của Người gửi cho ngành Giáo dục (15-10-1968), sau những lời chúc mừng, thăm hỏi Bác đã dạy: “ Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt… phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá và chuyên môn”. Và một lần nữa Bác khẳng định: “ Nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Bác yêu cầu: “ Các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương phải thực sự quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp giáo dục, phải chăm sóc nhà trường về mọi mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục về nhiều mặt, đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục của ta lên những bước phát triển mới”...
Mặc dù Bác đã đi xa nhưng những lời dạy bảo ân tình của Người vẫn còn đó. Để xứng đáng với sự quan tâm, lòng mong mỏi thiết tha của Bác, chúng ta phải khắc ghi và thực hiện lời Bác dạy, phải nỗ lực hơn nữa để thực hiện nhiệm vụ vinh quang mà Bác và Đảng đã đề ra cho chúng ta: Xây dựng cả nước thành một xã hội học tập, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực nhân tài, đáp ứng công cuộc đổi mới của đất nước.